“Hòn đảo ma” giữa biển Nhật Bản chính thức trở thành di sản văn hóa thế giới UNESCO
Sau khoảng 50 phút đi tàu từ bến Nagashaki về phía Tây Nam, người ta sẽ nhìn thấy một chiếc “chiến hạm” sừng sững nổi ở giữa biển khơi.
Hoang đảo nổi tiếng ghê rợn của Nhật Bản được UNESCO vinh danh làm Di sản Văn hóa thế giới. Để làm được chuyện đó, tất nhiên là cả một sự nỗ lực không ngừng.
Nhật Bản là đất nước của cảnh sắc, văn hóa và ẩm thực, cùng vô vàn những yếu tố thu hút khách du lịch. Trong đó phải kể đến một địa điểm nằm ngoài khơi Nagasaki, nơi từng được sử dụng làm bối cảnh cho một bộ phim của chàng “Điệp viên 007” James Bond. Đó là “hòn đảo ma” Hashima – hay Gunkanjima.
Hòn đảo ma được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Có lẽ nhiều người đã từng nghe đến cái tên của hòn đảo gắn liền với sự bí ẩn và ma mị. Tuy nhiên, chính hòn đảo này lại được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2015. Lý do là gì, bạn sẽ biết ngay dưới đây.
Hòn đảo gắn liền với một thời kỳ lịch sử
Sau khoảng 50 phút đi tàu từ bến Nagashaki về phía Tây Nam, người ta sẽ nhìn thấy một chiếc “chiến hạm” sừng sững nổi ở giữa biển khơi.
Hình dạng kỳ lạ của hòn đảo là vì đó là một hòn đảo nhân tạo, là sản phẩm của tập đoàn Mitsubishi tạo ra từ năm 1887, với mục đích trở thành mỏ khai thác than đá chất lượng cao dưới đáy biển.
Hòn đảo một thời làm biểu tượng công nghiệp hóa.
Thời kỳ đó, Gunkanjima là nguồn cung nhiên liệu chính cho nhà máy thép khổng lồ Yawa, do đó cần đến một nguồn nhân công rất lớn. Diện tích chỉ 6,3 ha, nhưng Gunkanjima có đến 71 tòa nhà, cao ốc, dây chuyền mỏ than.
Thời kỳ đỉnh điểm vào năm 1959, hòn đảo đã từng là nơi đông đúc nhất thế giới, chật chội đến mức hơn 5.000 con người phải chen chúc trong một tòa nhà có diện tích khoảng 0,16km vuông.
Giờ đây chỉ còn một đống đổ nát hoang tàn.
Với mục đích trở thành nơi ăn chốn ở định cư của công nhân, đảo Gunkanjima không thiếu thứ gì, trừ… nghĩa địa. Trường học, sân chơi, phòng gym, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng… thậm chí có cả những ngôi chùa, đền thờ thần linh nữa.
Tuy nhiên vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản bỗng nhảy vọt với sự xâm chiếm của dầu mỏ. Các mỏ than dần đi vào quên lãng, và đến đầu năm 1974, Mitsubishi tuyên bố đóng cửa hòn đảo Gunkanjima.
Những phế tích chỉ xuất hiện trong phim kinh dị.
Vào một ngày giữa tháng 4/1974, khi cư dân đảo cuối cùng lên thuyền trở về Nagasaki thì cùng là lúc hòn đảo chính thức bị bỏ hoang. Ngày nay, “hòn đảo ma” là cái tên người ta nhớ nhất khi nhắc đến hòn đảo này.
Một hòn đảo mang ý nghĩa biểu tượng
Trước khi dầu mỏ trở thành trụ cột năng lượng của quốc gia, thì than đá là nhiên liệu chủ yếu và Gunkanjima chính là một biểu tượng quan trọng của thời đại công nghiệp hóa thần kỳ.
Năm 2001, Mitsubishi đã hiến tặng đảo Hashima cho thị trấn Takashima, rồi đến năm 2005 chính thức thuộc về Nagasaki.
Kể từ năm đó, thành phố bắt đầu thực hiện một chiến dịch quảng bá du lịch cho hòn đảo: cho phép nhà báo lên đảo, khôi phục cầu tàu phục vụ du lịch, cải tạo một số khu vực đã xuống cấp. Những tòa nhà quá cũ và không an toàn đều bị cấm vào.
Du khách tận hưởng không khí tại hòn đảo ma quái.
Và rồi công sức của họ cũng được đền đáp. Vào tháng 7/2015, UNESCO chính thức công nhận đảo “chiến hạm” là một di sản văn hóa thế giới. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho một địa điểm gắn với lịch sử thời đại công nghiệp và sản xuất.
Thế giới cần biết đến Nhật Bản là một quốc gia luôn đổi mới và sáng tạo về mặt công nghệ. Đó cũng là một giải pháp thúc đẩy con người luôn tìm tòi và đổi mới, như cái cách đất nước này vẫn đang thực hiện.
Leave a Reply