Tìm hiểu Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn
Nay khu đất có mộ của hai ông ở vào khoảng trước trụ sở Tổng Công ty Sông Đà và ngõ 495 đường Nguyễn Trãi từ Hà nội vào Hà đông.
Danh nhân Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn – Một Nhà Quân sự, một Nhà Văn hóa xuất chúng của Dân tộc Việt Nam.Kể từ khi nước ta có Quốc hiệu đến nay, trải hàng mấy nghìn năm qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần,Lê,… đã có hàng vạn người được phong Tướng quân.Tuy nhiên những vị Tướng quân được Lịch sử Việt Nam nhắc đến không nhiều, tướng Nguyễn Sơn là một trong những người hiếm hoi đó.
Ông tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác (1/10/1908 – 21/10/1956) sinh phố Yên Ninh, Hà Nội. Nguyên quán ở Xã Kiêu Kỵ, Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ông còn có các bí danh khác Lý Anh Tự năm 1925, tháng 8/1927 ông tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, năm 1929 đổi tên là Hồng Thủy và lấy tên Nguyễn Sơn năm 1945 khi trở về Việt Nam.
Vũ Nguyên Bác sớm tham gia cách mạng cứu nước khi mới 17 tuổi (Năm 1925) được Nguyễn Công Thu liên lạc của Nguyễn Ái Quốc đưa sang Quảng Châu và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Nguyễn Ái Quốc lúc đó có bí danh là Lý Thụy nên đã đặt tên cho Vũ Nguyên Bác là Lý Anh Tự, nghĩa như anh em trong một nhà, đủ thấy Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh quý Ông biết chừng nào. Năm 1926 Vũ Nguyên Bác – Lý Anh Tự học trường quân sự Hoàng phố do Tôn Trung Sơn mở với sự giảng dậy của cố vấn Liên Xô. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8/1927, tháng 12/1927 Ông tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, Trung Quốc. thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, đã ba lần Ông bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị vu là gián điệp nước ngoài, nhưng Ông đều được khôi phục Đảng tịch. Năm 1929 lấy tên là Hồng Thủy. Năm 1931 là Chính ủy Trung đoàn 102, rồi Chủ Nhiệm chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12 Hồng Quân Trung Quốc. Tháng 01/1934 tại Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa Ông được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Chính Ủy Trung đoàn Cán bộ Đỏ gồm nhiều người sau này là các vị tướng lĩnh, lãnh đạo cấp cao của Đảng – Nhà nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa cùng với 300,000 Hồng Quân Trung Quốc rời Giang Tây tham gia Vạn lý Trường Chinh đến Diên An. Nhiều báo lớn của Trung Quốc đã viết:“ Tướng Hồng Thủy là một chiến sĩ tài ba lỗi lạc, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong cuộc Vạn lý Trường chinh, được chính Mao Trạch Đông đánh giá cao. Trên đường Trường chinh xa thăm thẳm, ông đã không ít lần đứng đầu hàng quân với tinh thần bừng bừng như lửa, vượt núi cao, xuyên tuyết lạnh, cổ động tinh thần đồng đội”.Tướng quân Nguyễn Sơn – Hồng Thủy đã tham gia nhiều công tác Cách mạng quan trọng tại Trung Quốc.
Năm 1945, khi Nhà nước Cách mạng Việt Nam mới thành lập, Hồng Thủy – Nguyễn Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn giao trọng trách là Chủ Tịch ủy Ban kháng chiến miền Nam Việt Nam kiêm Chủ Tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam và Trung Bộ, Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng trường sĩ quan Lục quân, Khu trưởng Chiến khu IV. Hồ Chủ Tịch thường nói Tướng Nguyễn Sơn là Thân kinh bách chiến, nghĩa là một vị tướng chỉ huy cực kỳ tài ba trăm trận chiến ở nơi rất ác liệt.Trong những trọng trách được giao tại Việt Nam, Ông đã cùng đồng bào,chiến sỹ tổ chức phòng ngự và tiến công tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch kìm giữ chân quân đội Pháp ở mặt trận phía Nam để Chính quyền Cách mạng có thời gian vận chuyển bảo toàn lực lượng và xây dựng căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.Trong thời làm Tư Lệnh Quân khu 4,với năng khiếu văn học, hiểu nhiều,biết rộng ông tham gia cùng Đoàn Văn hóa Kháng chiến Liên khu 4 do Nhà văn Vũ Ngọc Phan làm Chủ Tịch, góp ý kiến và dự nhiều cuộc họp phê bình văn hóa,văn nghệ với các Văn nghệ sỹ.
Sau chiến dịch Biên giới 1950, Hồ Chủ Tịch đã đưa Tướng Nguyễn Sơn – Hồng Thủy trở lại Trung Quốc làm việc tại Bộ Tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Thời gian này Ông vừa tham gia công tác quân sự,vừa tham gia công tác Văn hóa trong Quân đội giải phóng Trung Quốc được Chủ tịch Mao Trạch Đông và các vị Lãnh đạo Đảng – Nhà nước Trung Quốc quý trọng. Ông đã có đóng góp quan trọng cho việc Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp thành công, làm tiền đề tiếp theo cho Trung Quốc viện trợ kháng chiến chống Mỹ sau đó.
Nhân Dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Năm 1956, trong cơn bạo bệnh, ông tha thiết yêu cầu được trở về quê hương Việt Nam. Chủ tịch Mao Trạch Đông và thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân đến gặp Hồng Thủy, sắp xếp tiễn ông ra tận ga. Kể từ đó trở đi, Trung Quốc luôn luôn nhớ thương, biết ơn vị tướng đã cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng, cho Trường Chinh, nhớ thương người đồng chí Việt Nam thân mến!”
Ông là người Văn ,Võ song toàn.Những cống hiến của Ông đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp giải phóng Dân tộc, giải phóng đất nước của Việt Nam và Trung Hoa. Còn nhiều sự kiện,nhiều công lao của Tướng Nguyễn Sơn trên nhiều nẻo đường chiến tranh,…đến nay chúng ta còn chưa được biết hết về Ông. Đây là những khoảng trống và góc khuất chưa được nghiên cứu, phát hiện để chúng ta những người Việt Nam hôm nay có một bức chân dung hoàn chỉnh về một trong những Nhân vật Lịch sử của Dân tộc Việt Nam – Lưỡng quốc Tướng quân Nguyên Sơn. Còn rất nhiều câu hỏi về Ông chưa đầy đủ.Ông là một Nhà quân sự, một nhà Binh pháp, một Nhà Văn hóa hay còn gì nữa? Đến nay các câu hỏi và các cuộc nghiên cứu vẫn còn để ngỏ chưa có lời kết. Chỉ biết rằng danh tiếng và huyền thoại về Tướng Nguyễn Sơn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong Nhân dân những nơi ông đã từng sống và hoạt động. Đôi khi,những câu truyện về Ông đã trở nên ly kỳ và huyền ảo như truyện cổ tích.Điều đó đủ nói lên sự nghiệp của Ông rất lớn lao vượt ra ngoài cuộc đời 48 tuổi của Ông. Khi sinh thời cũng như khi Ông đã qua đời, đã có rất nhiều giai thoại, truyền thuyết, truyện và phim, ảnh, nói, viết về Ông.
Đã có những Lễ tưởng niệm trọng thể về Ông. Ngày hôm nay, tôi xin kể lại mấy câu chuyện nhỏ về Tướng Nguyễn Sơn do gia đình nói lại. Tướng Nguyễn Sơn có quê gốc là người Bắc Ninh, cùng Chi họ Vũ Bắc Ninh với Cha tôi – Danh nhân Văn hóa Vũ Ngọc Phan. Tướng Nguyễn Sơn có một người vợ cuối là Dì Lê Hằng Huân – Em ruột mẹ tôi, Nữ thi sỹ Lê Hằng Phương. Tôi là con út trong nhà, các anh chị tôi đã trưởng thành và đi công tác xa. Tuổi nhỏ ở nhà đi học và sống cùng Cha Mẹ nên hay được nghe kể nhiều kỷ niệm. Những câu chuyện tôi được Cha Mẹ kể và sau nữa là các Chị, Anh ruột – Giáo sư Vũ Giáng Hương, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Huyền Giao,… kể lại đủ để viết một cuốn sách dầy kỷ niệm về Cậu Nguyễn Sơn.
Cha tôi, Nhà văn Vũ Ngọc Phan nói với tôi: “Cậu Sơn có sức khỏe lạ lùng, có lần cậu cưỡi ngựa cùng mấy người tùy tùng đi từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, lúc đó phải đi vòng qua Hòa Bình, vậy mà cậu Sơn chỉ đi có hơn một ngày một đêm. Sau khi gặp và làm việc với Bác Hồ xong, cậu Sơn lại trở về Thanh hóa ngay. Cậu Sơn tự học, tự rèn luyện là chính. Cậu Sơn biết đến 4 thứ tiếng nước ngoài, mà biết thành thạo tới mức viết văn được. Đọc rộng, nhớ nhiều, Cậu Sơn có lần diễn thuyết cả ngày không cần viết sẵn mà nói rành mạch, phân tích rõ ràng, cặn kẽ. Tranh luận về Văn hóa, Văn nghệ có thể cậu Sơn thức qua đêm. Cậu Sơn rất cương nghị đến ngang tàng, tranh luận đến cùng, nhưng thấy mình sai thì nhận lỗi và sửa ngay. Cậu Sơn rất am hiểu việc nhà nông, hay ra làm ruộng cùng bà con nông dân. Chỉ có điều Cậu Sơn làm việc quá nhiều, lao lực, ngủ ít, lại hút thuốc lá có ngày tới gần 4 bao nên sau bị bệnh, mất sớm. Thật đáng tiếc cho một người tài hoa”.
Dì Lê Hằng Huân – Phu nhân Tướng Nguyễn Sơn, sau này có làm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi đó do bà Lê Thị Xuyến làm Chủ Tịch (Mẫu thân Anh Phan Diễn – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng khóa IX), tôi gọi là Mợ Xuyến. Hàng ngày vào buổi trưa Dì Huân hay về ăn cơm ở nhà Cha Mẹ tôi ở 23 Lý Thái Tổ – Hà Nội. Dì Hằng Huân kể lại một câu chuyện khi Tướng Nguyễn Sơn chiến đấu trong Giải phóng quân Trung Quốc bị lâm trận. Dì Huân nói: “Bấy giờ Cậu Sơn bị quân Tưởng Giới Thạch vây hãm trong một trang trại. Quân ta thì hết đạn nên vòng vây quân Tưởng xiết chặt dần. Cậu Sơn chia rượu cho mọi người cùng uống rồi ra lệnh cho bộ đội im lặng. Chờ khi quân Tưởng đã tiến sát đến bên tường nhà. Cậu Sơn cầm kiếm ra hiệu cho mọi người cũng cầm kiếm lên ngựa, mở tung cửa xông ra. Quân Tưởng bị bất ngờ nên cậu Sơn cùng chiến sỹ phá được vòng vây chạy mấy ngày thì về đến quân ta. Những người theo cậu Sơn phá vây chỉ chết mất có hai người,…”. Tôi nhớ chuyện Dì Hằng Huân kể vào một trưa nóng nực cuối hè năm 1964, mấy ngày sau thấy Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam thông báo sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ ném bom miền Bắc. Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt và những lo toan kiếm sống đã làm mấy Dì cháu không gặp được nhau. Khi nhớ lại muốn hỏi cho rõ chuyện Dì kể, thì Dì Lê Hằng Huân cũng đã qua đời.
Khi tôi độ hơn 5 tuổi, một sáng lạnh trời, Mẹ tôi – Nhà thơ Lê Hằng Phương có dắt tôi đến trước một ngôi biệt thự cũ xây từ thời Tây trên đường Lý Nam Đế. Khi bảo vệ người Trung Quốc, đầu cạo trọc ra mở cổng và cúi rạp để chào. Mẹ cầm tay tôi đi qua sân thì có một bà to béo, mắt hơi hiếng, tóc cắt ngắn chỉ ngang tai, mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn mầu xanh sẫm, chân đi giầy hải sảo chạy ra đón. Thấy Mẹ tôi, bà ôm choàng lấy khóc nức nở, nói: “Chị,..Chị ơi !”. Thấy tôi ngơ ngác, Mẹ tôi bảo: “Đây là dì Huân, con chào Dì đi”. Dì Huân dẫn Mẹ con tôi qua một sân rộng có mấy cây to, vòng ra sau ngôi biệt thự hai tầng quét vôi vàng. Cuối vườn là một tường rào gạch xám xịt, loang lổ, sau tường rào có căng dây thép gai, phía bên trên là đường tầu hỏa từ cầu Long biên chạy ngang qua. Biệt thự có hành lang bao quanh và những dẫy cột vòm cuốn. Bước vào một phòng rộng có ánh đèn vàng đục, phòng bài trí sơ sài, gần như trống không. Sát bên cửa sổ có một người đàn ông ngồi ngả người trên một ghế xích đu đan bằng mây tre. Mẹ tôi đẩy nhẹ vào vai tôi, bảo: “Cậu Sơn đấy, con đến chào cậu”. Tôi rụt rè đến gần, cậu Nguyễn Sơn nằm ngả người, im lìm, tóc rối bù, má hóp, mắt lõm sâu, râu quai nón lờm sờm, mắt nhắm nghiền, nửa người dưới đắp một chăn mỏng mầu cỏ úa… Tôi chạm nhẹ vào bàn tay gầy khô, xương sẩu của Ông, lúc sau Ông chậm chậm mở mắt, gắng cười. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp Cậu Nguyễn Sơn. Mấy ngày sau thấy Đài, Báo đăng tin lễ tang Tướng Nguyễn Sơn trong sự thương tiếc của Đồng bào, đồng chí.
Cuối năm 1969, tôi về học trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ở cây số 10 đường Hà Nội – Hà Đông (Nay là đường Nguyễn Trãi). Bấy giờ là một con đường đất hẹp lẫn đá răm gập ghềnh. Hai bên đường là những hàng cây sà cừ cổ thụ. Từ Hà Nội vào, bên phải là đường xe điện và ruộng, bên trái là ao hồ. Mãi xa tận cuối những thửa ruộng hoang mới thấy lô nhô xóm làng tận đâu ga Giáp Bát. Tôi đi mãi cuối cùng cũng tìm được một gò đất nhỏ rộng chừng mươi mét vuông nổi lên giữa khu ruộng trũng đầy cỏ lác và hoa súng. Chung quanh gò đất có độ sáu bẩy cây phi lao to chơ vơ, lối vào là một doi đất nhỏ chỉ vừa một người bước chân. Mộ Tướng Nguyễn Sơn bên trái, mộ Tướng Nguyễn Chánh bên phải. Cỏ dại và những cây trinh nữ mọc che gần hết mộ của hai ông xây bằng gạch đã bong vữa nham nhở trong ánh chạng vạng của chiều tà. Tôi nhổ cỏ cho quang đãng hai ngôi mộ rồi về nói với Mẹ, nghe xong Mẹ tôi thở dài. Ngày ấy đang chống mê tín dị đoan nên hương thắp cũng khó tìm. Mẹ tôi bảo: “Thỉnh thoảng đi qua, con nhổ cỏ trên mộ cho Cậu”. Nay khu đất có mộ của hai ông ở vào khoảng trước trụ sở Tổng Công ty Sông Đà và ngõ 495 đường Nguyễn Trãi từ Hà nội vào Hà đông.
Nơi Tướng Nguyễn Sơn an nghỉ cũng bình dị như nếp sống sinh thời của Ông. Rất lâu sau này mới cải táng ông về nơi khác – Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Nửa thế kỷ đã đi qua, sự trải nghiệm lịch sử đã làm ngày một rõ hơn sự nghiệp, công lao to lớn của Tướng Nguyễn Sơn với cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa trong cuộc đấu tranh giải phóng Dân tộc. Ngày nay chúng ta nói về Tướng Nguyễn Sơn, viết về Ông và nhắc đến Ông nhiều hơn cả khi Ông còn sống. Ngày nay, Tướng Nguyễn Sơn như hiện hữu và trường tồn trong sự sống của hai Dân tộc Việt – Trung. Ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trên Bát bảo sơn có Đền thờ các Vị Khai Quốc Công thần khai sinh ra Nước Trung Hoa mới có bài vị của Tướng quân Hồng Thủy – Nguyễn Sơn. Và trên con đường Vạn Lý Trường Chinh đã đi qua của Tướng quân Hồng Thủy cùng đồng đội có đền thờ ông – Vị Lưỡng Quốc Tướng quân hai nước Việt – Trung.
Leave a Reply